Cách chế thuốc

Chế thuốc cốt cho đúng.

Có 4 cách hỏa chế: Nung, Chấy, Nướng, Sao.

Ngoài ra còn cách Lùi, Hong và Sấy.

Có 3 cách thủy chế: Ngâm, Dầm, Tẩy.

Cách chế bằng thủy hỏa hợp chế có hai lối: Chưng cách thủy và nấu mà thôi.




Nung là lấy đất hoặc bột mì bọc thuốc vào trong, cho vào lửa mà nung đỏ.

Chấy là cho thuốc vào rượu hay nước, đổ cả vào nồi đất rồi đốt lửa ở ngoài.

Nướng là để thuốc lên trên than đỏ mà nướng.

Sao là để thuốc cách trên lửa mà rang.

Ngâm là tẩm thuốc vào rượu hay vào nước cho thấm.

Giầm là dùng rượu nóng mà giầm thuốc cho hết những chất bẩn.

Tẩy là lấy rượu hay nước bỏ thuốc vào mà rửa qua.

Lùi là cho thuốc vào tro nóng nướng chín.

Hong là để thuốc gần lửa hong cho khô.

Sấy là sao qua loa không để cháy thuốc, nhấc nồi đang nóng xuống rồi mới bỏ thuốc vào rang cho khô.

Chưng là nấu thuốc cách thủy.

Nấu là cho thuốc vào nước mà nấu.



Kể ra cách chế thuốc cũng nhiều nhưng không ngoài mấy cách kể trên.


Muốn cho sức thuốc đi lên thì chế bằng rượu.

Muốn cho phát tán thì chế với gừng sống.

Muốn cho thuốc đi vào thận và làm mềm chất rắn thì chế với muối.

Muốn cho thuốc đi vào can và làm tan chỗ đau thì chế với dấm.

Muốn cho thuốc mất tính nóng bốc lên mà đi xuống thì chế với đồng tiện.

Muốn cho thuốc mất tính ráo mà điều hòa tỳ vị thì chế với nước vo gạo.

Muốn cho thuốc nhuận khô và sinh huyết thì chế với bột sữa.

Muốn cho thuốc ngọt, đi chậm và bổ nguyên khí thì chế với mật ong.

Thuốc chế với đất vách là muốn lấy hơi đất để bổ thẳng vào trung tiêu (tỳ vị).

Thuốc chế với bột lúa mì là để bớt tính mạnh của nó, cho khỏi hại đến phần trên.

Cách ngâm với nước đậu đen và nước cam thảo, phơi khô để giải chất độc khiến cho êm dịu.

Dầu, mỡ dê, heo bôi lên chỗ bỏng, dịt vào chỗ chảy nước vàng thì mau khỏi.

Cũng có thuốc bỏ sơ múi đi cho khỏi đầy bụng, bỏ lõi đi cho khỏi ngầy ngật.





Huống chi chế thuốc để dùng có khi nên làm hoàn, làm thang, ngâm với rượu hay nấu thành cao.


Hoàn có nghĩa là hoãn, nên dùng để chữa gốc (bản). Tán có nghĩa là cấp, nên dùng để chữa ngọn (tiêu). Thang có nghĩa là tẩy rửa, nên dùng để chữa bệnh lâu ngày. (Tiêu - Bản)

Tán hàn thấp thì thuốc nên giầm rượu. Muốn bổ ích cho người gày yếu dùng thuốc cao.

Bệnh ở chỗ cao nhất nên sắc thuốc với rượu mà uống. Trừ chứng hàn thấp nên gia gừng vào mà sắc.

Chữa đờm ở thượng tiêu nên sắc với mật ong.

Bệnh ở thượng tiêu dùng thuốc phải viên thật nhỏ.

Bệnh ở trung tiêu thuốc viên nhỏ vừa thôi.

Bệnh ở hạ tiêu thì viên rất to.

Thuốc viên với rượu dấm để cho dễ tan.

Viên với hồ bột gạo để cho dễ tiêu hóa.

Viên với mật ong để cho chậm.

Viên với sáp ong là để cho lâu tan và cho thuốc đi nhanh không hại đến vị khí.



Trên đây nói tóm tắt không nói rườm rà, các bạn mới học rất nên xem kỹ.