Thất tình

Thất tình là thuộc loại vô hình, nhưng cũng do hữu tình mà ra. Bởi vì thất tình bị tác dụng thái quá làm cho nguyên khí ở trong bị thương quá thành bệnh, bệnh phát ra là do ngũ tạng bị hư, khí bị trệ lại không lưu thông thành ra thực, làm cho chất tinh ba bị hao tổn ngầm; không giống như ngoại tà lúc đầu từ bì mao, sau dần dần truyền vào bên trong. Ví như quá mừng thì hại tâm mà sinh ra tinh thần bồng bột, mạch tán loạn. Nội kinh nói: “Quá mừng làm hại dương, quá vui làm hại phách”. Trong sách có nói: “Mừng mà cười đều thuộc về tâm hỏa

Bởi vì hỏa gặp phong thì bốc cháy, là hình tượng của nét cười. Phương thuốc thời xưa chữa một người con trai hay cười mãi không ngớt, mép chảy nước dãi, dùng bài Hoàng liên giải độc thang gia Bán hạ, Trúc lịch, Khương trấp; một người đàn bà bị bệnh cười không ngớt, dùng nước muối lạt cho uống rồi móc cổ cho mửa ra chất đờm nhiệt mà khỏi. 
Như giận quá hại can, làm cho hồn bay đi và tinh tán đi. Nội kinh nói: “Giận quá thương tổn phần âm”, có chỗ nói: giận bực là do âm khí thịnh làm ngăn trở dương khí không bốc lên mà phát ra giận. Cho nên khéo chữa chứng giận, dùng 6 lạng Hương phụ tán nhỏ, mỗi lần uống 5 đồng cân, chiêu với nước sôi. Đó là ý nghĩa làm sơ thông can uất.
Song cũng có chứng vì chân âm của tâm thận suy kém, mỗi khi gặp việc gì thì hay khó chịu phát nóng, như vậy lại phải bồi bổ cho chân âm của tâm và huyết của can mà không thể dùng những thứ thuốc thơm ráo để sơ can thông khí được. 
Như quá lo thì hại tới ý chí, làm cho khí trệ tinh thần suy kém, gọi là thoát dinh; như quá nghĩ ngợi thì hại tỳ mà ý thì u uất, tinh thần mỏi mệt. Nội kinh nói: “Nghĩ ngợi thì tâm thần tập trung vào một chỗ, chính khí trệ lại không lưu hành cho nên khí bị ngưng kết”. 
Lại nói: “Ban ngày nghĩ ngợi nhiều thì hại dương, ban đêm nghĩ ngợi nhiều thì hại âm, quá thương xót thì khí bị xúc động, thần bị rối loạn, hỏa nhiệt quá thịnh lại theo thủy hóa, chất dịch trong 5 tạng đều trào ra”. 
Nội kinh nói: “Xót thương trong lòng thì hại tới hồn”. Như quá sợ thì làm hại thận mà tinh bị yếu, khí trệ xuống; kinh hoảng thì tâm không có chỗ dựa, thần không có nơi ẩn náu mà khí bị loạn. Song chẳng những nó chỉ làm thương tâm mà đến ngũ tạng đều có thể bị thương tổn; chẳng hạn như khi giao hợp bị kinh hoảng thì bị tổn thương ở thận, khi ăn uống bị kinh hoảng thì bị tổn thương ở vị.