Thuốc phát tán phong thấp






Hy thiêm


Dùng toàn thân trên mặt đất lúc cây sắp ra hoa của cây hy thiêm


TÍNH VỊ
  • Vị đắng, tính hàn.

Quy kinh
  • Quy kinh can, thận.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, lợi gân cốt, thanh nhiệt, giải độc

CHỦ TRỊ
  • Chữa các bệnh phong thấp tê đau, thấp khớp, đau xương, chân tay tê mỏi, đau lưng, đau thần kinh.

  • Giã đắp chữa mụn nhọt, dị ứng.

  • Bình can tiềm dương: chữa các chứng đau đầu, hoa mắt, huyết áp cao.

LIỀU DÙNG
  • 8 - 16g/ ngày.

CHÚ Ý
  • Khi dùng có thể tẩm rượu pha mật ong, rồi đồ chín, sau phơi sấy khô.

  • Tác dụng dược lý: Có tác dụng hạ huyết áp





Tang chi


Dùng cành dâu non (đường kính không quá 1cm) của cây dâu tằm. Cành dâu sau khi thu hái, phơi qua cho mềm, sau đó thái thành phiến mỏng, phơi sấy khô, khi dùng sao vàng hoặc tẩm rượu sao.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, tính bình.

QUY KINH
  • Quy kinh phế, thận.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, lợi gân cốt.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, chữa đau nhức khớp xương, chân tay co rút tê dại.

  • Chữa ho (có thể phối hợp với bách bộ, cát cánh, trần bì)

  • Lợi tiểu, chữa đái buốt, đái dắt, tiểu tiện khó khăn hoặc bị phù thũng (có thể phối hợp kim tiền thảo, bạch mao căn)

  • Hạ áp: có thể nấu nước tang chi ngâm chân 20 phút trước khi đi ngủ.

LIỀU DÙNG
  • 8 - 12g/ ngày



Tang ký sinh


Dùng toàn thân cây tầm gửi, sống ký sinh trên cây dâu.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, tính bình.

QUY KINH
  • Quy kinh can, thận

CÔNG NĂNG
  • Thông kinh hoạt lạc, bổ thận, an thai.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, mạnh gân cốt: dùng khi chức năng gan thận kém dẫn đến đau lưng mỏi gối ở người già, trẻ con chậm biết đi, chậm mọc răng, đau dây thần kinh (dùng bài Độc hoạt ký sinh thang).

  • Dưỡng huyết an thai, dùng khi huyết hư dẫn đến động thai, có thai ra máu. Dùng cho phụ nữ đẻ xong không có sữa, làm xuống sữa.

  • Hạ áp: dùng với bệnh nhân cao huyết áp.

LIỀU DÙNG
  • 10 - 20g/ngày

KIÊNG KỴ
  • Khi mắt có màng mộng thì không dùng.



Thiên niên kiện (sơn thục)


Dùng thân rễ cây thiên niên kiện.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, cay, hơi ngọt; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh can, thận

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, bổ thận, mạnh gân cốt.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, chỉ thống: dùng khi phong hàn thấp tý đau nhức xương khớp, cơ nhục, đặc biệt các khớp vai, cổ, gáy.

  • Thông kinh hoạt lạc: dùng khi khí huyết ứ trệ dẫn đến tê dại, co quắp, đau dây thần kinh.

  • Mạnh gân cốt: dùng cho người già đau nhức mình mẩy, trẻ con chậm biết đi.

  • Kích thích tiêu hoá: dùng khi tỳ vị hư hàn ăn uống kho tiêu, đầy bụng.

  • Dùng khói thiên niên kiện và thương truật xông chữa chàm dị ứng.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày

KIÊNG KỴ
  • Không nên dùng cho người âm hư hoả vượng, người háo khát, táo bón, đau đầu.

CHÚ Ý
  • Vị thuốc có tác dụng trừ phong chỉ thống tương đối mạnh, nên có thể phối hợp với một số vị thuốc khác làm thuốc xoa bóp chữa đau nhức xương khớp.

  • Vị thuốc có mùi thơm mạnh, thường dùng cho vào thuốc ngâm rượu (với lượng vừa phải), đặc biệt các thuốc có mùi vị tanh như rắn, tắc kè.



Thổ phục linh (củ khúc khắc, củ kim cang)



TÍNH VỊ
  • Vị ngọt, nhạt; tính bình.

QUY KINH
  • Quy kinh can, thận, vị.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, lợi gân cốt, giải độc thuỷ ngân.

CHỦ TRỊ
  • Chữa đau nhức khớp xương.

  • Giải độc thuỷ ngân.

  • Trừ rôm sảy, mụn nhọt.

  • Dùng trong nhân dân để tẩy độc cơ thể, bổ dạ dày, khoẻ gân cốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau nhức khớp xương.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ ngày.



Dây đau xương (khoan cân đằng)

Dùng toàn cây tươi hoặc khô của các loại dây đau xương.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, tính mát

QUY KINH
  • Quy kinh Can, tỳ.

CÔNG NĂNG
  • Khu phong, thư cân, thanh nhiệt, hoạt huyết.

CHỦ TRỊ
  • Chữa phong thấp tê bại. Các khớp xương đau nhức. Ngã tổn thương, ứ máu. Sốt rét kinh niên.

LIỀU DÙNG
  • 10 - 20g/ ngày. Có thể dùng sống hoặc sao vàng.

  • Có thể dùng ngâm rượu uống hoặc xoa bóp, hoặc sắc uống, hoặc giã nhỏ đắp ngoài.



Ké đầu ngựa (Thương nhĩ tử )


Dùng quả chín phơi sấy khô của cây ké đầu ngựa.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, cay; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh phế, thận, tỳ.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, phát tán phong thấp, giải độc, giải dị ứng.

CHỦ TRỊ
  • Khứ phong thấp giảm đau, dùng chữa đau khớp, đau dây thần kinh, chân tay co quắp tê dại.

  • Chữa cảm mạo phong hàn dẫn đến đau đầu.

  • Giải dị ứng, ban chẩn, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng do lạnh.

  • Chống viêm: chữa viêm xoang, viêm mũi mãn tính, chữa đau răng (sắc lấy nước ngậm)

  • Sát trùng chữa mụn nhọt, vết thương. . . nấu nước rửa.

  • Tán kết : làm mềm các khối rắn, dùng với bệnh bướu cổ.

  • Lợi niệu, chữa phù thũng.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày

KIÊNG KỴ
  • Theo tài liệu cổ khi dùng ké đầu ngựa phải kiêng ăn thịt lợn, thịt ngựa (khắp mình sẽ nổi quầng đỏ)

  • Nhức đầu do huyết hư không nên dùng



Ngũ gia bì

1. Ngũ gia bì chân chim

2. Ngũ gia bì gai

Dùng vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì; là loại cây nhỏ rất nhiều gai, cao chừng 2-3m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3-5 lá chét, phiến lá hình bầu dục hay hơi thuôn dài , phía cuống hơi thót lại , đầu nhọn , mỏng , mép có răng cưa to , cuống lá dài từ 5-7cm . Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành . Đầu mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng xanh. Quả mọng, hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.

TÍNH VỊ
  • Vị cay; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh can, thận.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, mạnh gân xương.

CHỦ TRỊ
  • Chữa các bệnh đau lưng gối, đau khớp, sưng khớp, gân co quắp.

  • Bổ dưỡng khí huyết: dùng khi cơ thể suy nhược, thiếu máu vô lực, mệt mỏi.

  • Kiện tỳ cố thận, dùng khi da thịt teo nhẽo, bại liệt, trẻ em chậm biết đi, chậm mọc răng.

  • Lợi tiểu, tiêu phù thũng.

  • Giảm đau, dùng trong sang chấn gẫy xương.

  • Giải độc, chữa mụn nhọt, sang lở.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày

CHÚ Ý
  • Tác dụng dược lý: Thuốc có tác dụng tăng sức dẻo dai, bền bỉ của cơ bắp. Dịch chiết nước có tác dụng giảm thấp tính mẫn cảm của tia tử ngoại trên da bình thường, tăng sức chịu đựng của mạch máu nhỏ dưới áp suất thấp.

  • Còn dùng vỏ thân của cây ngũ gia bì chân chim- Schefflera octophylla Harms. có vị hơi cay, vào can, thận để trị đau lưng, nhức xương thể phong hàn thấp, kích thích tiêu hoá, ăn ngon cơm. Ngoài ra còn dùng vỏ cây Vitex quinata Wiliams.Họ Cỏ roi ngựa- Verbenaceae, để chữa phong thấp và làm thuốc bổ.



Khương hoạt

Dùng rễ của cây khương hoạt

TÍNH VỊ
  • Vị cay, đắng; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh bàng quang, can, thận.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, trừ phong thấp, giảm đau.

CHỦ TRỊ
  • Tán hàn giải biểu, dùng khi cảm mạo phong hàn, đau đầu, toàn thân đau mỏi.

  • Trừ thấp chỉ thống: dùng để chữa bệnh phong thấp, đau nhức xương cốt, đau dây thần kinh, đau cơ do lạnh.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12g/ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người huyết hư, không do phong hàn thì không dùng vì vị thuốc mang tính ôn táo dễ hao tổn tân dịch.

CHÚ Ý
  • Dùng tốt trong các chứng thấp đau nhức xương cốt, thần kinh từ lưng trở lên.



Độc hoạt

Dùng rễ của cây độc hoạt

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh bàng quang, can, thận.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, trừ phong thấp.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, dùng khi phong hàn thấp tý, tê liệt cơ thể.

  • Chỉ thống: chữa đau nhức khớp xương, đau dây thần kinh, hay dùng cho các chứng đau từ thắt lưng trở xuống.

  • Chữa cảm mạo phong hàn.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người âm hư, hoả vượng, huyết hư không nên dùng.



Uy linh tiên

Dùng rễ cây Uy linh tiên.

TÍNH VỊ
  • Vị cay, mặn, tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh bàng quang.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp giảm đau, chữa tê thấp khớp xương sưng đau, chân tay tê dại, đau nhức trong xương, đau lưng, đau dây thần kinh.

  • Chống viêm, chữa viêm họng, viêm amidan, viêm lợi, đau răng, viêm mũi.

  • Chữa chứng hoàng đản có phù thũng (phối hợp với mộc thông, nhân trần, chi tử)

  • Lợi tiểu tiêu phù, dùng trong trường hợp viêm khớp có phù nề.

  • Dùng ngoài ngâm rượu chữa hắc lào, lang ben.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12g/ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người huyết hư không nên dùng .



Mộc qua

Dùng quả chín phơi sấy khô của cây mộc qua.


TÍNH VỊ
  • Vị chua, chát; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh can, tỳ, thận.

CÔNG NĂNG
  • Trừ thấp.

CHỦ TRỊ
  • Chữa đau nhức khớp xương, đau dây thần kinh, chân tay đau nhức.

  • Chữa phù nề do tỳ hư.

  • Chữa ho lâu ngày.

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày.

CHÚ Ý
  • Mộc qua thường được dùng phối hợp với xương hổ trong các đơn thuốc chữa đau nhức, thấp khớp, ho lâu ngày, phù nề.

KIÊNG KỴ
  • Bí tiểu, trường vị tích nhiệt không nên dùng.



Phòng phong

TÍNH VỊ
  • Vị cay, ngọt; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh bàng quang, can.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán giải biểu, trừ phong thấp.

CHỦ TRỊ
  • Chữa cảm mạo phong hàn xuất hiện sốt rét, đau đầu, ho.

  • Trừ phong thấp giảm đau, chữa đau nhức xương khớp, đau mình mẩy, buốt cơ, đau nửa đầu (phòng phong, bạch chỉ).

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người âm hư hoả vượng không có phong tà không nên dùng.

  • Phòng phong tương sát với thạch tín (Phòng phong trừ độc thạch tín)



Mã tiền tử

Dùng hạt cây mã tiền.

Vị thuốc có độc, trước khi dùng uống phải qua chế biến đạt tiêu chuẩn qui định.

TÍNH VỊ
  • Vị đắng; tính ấm, có đại độc.

QUY KINH
  • Quy kinh can, tỳ.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, mạnh gân cốt.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, thông kinh, hoạt lạc,giảm đau trong các bệnh phong thấp, đau khớp cấp hoặc mãn tính.

  • Mạnh gân cốt, dùng trong các trường hợp gân và cơ tê đau, đau thần kinh ngoại biên .

  • Dùng ngoài chữa ghẻ và một số bệnh ngoài da (tán bột, trộn với dầu vừng bôi).

  • Tây y dùng làm thuốc kích thích thần kinh trung ương, tăng phản xạ tuỷ, tăng cường kiện và dinh dưỡng của cơ.

LIỀU DÙNG
  • 0,1-0,3g/ ngày.( Mã tiền chế)

KIÊNG KỴ
  • Không dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

  • Bệnh di tinh, mất ngủ không dùng.

CHÚ Ý
  • Những người mất ngủ, di mộng tinh không nên dùng. Dùng ngoài theo dạng cồn xoa bóp.

  • Tác dụng dược lý: với liều nhỏ, thuốc có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và ngoại vi. Ngoài ra còn có tác dụng tăng huyết áp tăng tiết dịch vị

  • Tên Strichnos chữ Hy lạp nghĩa là những cây có độc; nux nghĩa là quả cứng; vomica nghĩa là gây nôn.

  • Độc tính: Mã tiền rất độc. Khi bị ngộ độc thường ngáp, nước dãi chảy nhiều, nôn mửa, sợ ánh sáng, mạch nhanh và yếu, tứ chi cứng đờ, co giật nhẹ rồi đột nhiên có triệu chứng như uốn ván nặng. Sau 5' đến 5h chết vì ngạt.

  • Thuốc cao bà Giằng chữa tê thấp, đau nhức, sưng khớp, gồm có: Bột mã tiền chế 50g, bột hương phụ tứ chế 13g, bột mộc hương 8g, bột địa liền 6g, bột thương truật 20g, bột quế chi 3g, tá dược vừa đủ hoàn 1000 viên.



Rắn

Những bộ phận thường dùng: thịt rắn, mật rắn, xác rắn, nọc rắn độc.

TÍNH VỊ
  • Vị ngọt, mặn, có độc; tính ấm. ( thịt rắn)

QUY KINH
  • Vào kinh can.

CÔNG NĂNG
  • Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, trừ phong giải độc.

CHỦ TRỊ
  • Trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, dùng trong các bệnh đau khớp xương, đau nhức xương, đau cột sống hoặc chân tay tê dại.

  • Chỉ kinh, giải co quắp, dùng trong các chứng kinh phong, bán thân bất toại.

  • Xác rắn (xà thoát): vị mặn, tính bình có tác dụng trừ phong giải độc, như làm tan mộng mắt, chữa viêm họng, đau họng, chữa mụn nhọt, sang lở.

LIỀU DÙNG
  • 8-16g/ ngày

KIÊNG KỴ
  • Cơ địa dị ứng không nên dùng.

  • Phụ nữ có thai không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Mật rắn có tác dụng chống viêm, giảm đau tốt.

  • Chú ý tránh nọc độc khi chế biến.



Hổ cốt ( xương hổ)



Dùng xương hổ.


TÍNH VỊ
  • Vị mặn, cay ; tính hơi ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh can, thận.

CÔNG NĂNG
  • Khu phong, mạnh gân cốt, trấn kinh.

CHỦ TRỊ
  • Chữa gân cốt đau nhức, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, đau cột sống, đau thần kinh liên sườn, bán thân bất toại.

  • Bổ khí huyết, tăng sức đề kháng, cơ thể suy nhược da dẻ xanh xao, người vô lực.

LIỀU DÙNG
  • 10-30g/ ngày, xương đã chế dạng bột.

KIÊNG KỴ
  • Những người huyết hư hoả thịnh không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Có thể dùng dạng bột xương, ngâm rượu hoặc dạng cao.