Tiểu dẫn (Y hải cầu nguyên)



Cổ nhân có nói: Đọc sách biết nghĩa đã khó, nhưng biết nghĩa không khó, biện biệt được chân lý mới là khó, mà thấy rộng được ngoài chân lý lại càng khó hơn. Tôi bỏ học nho sang học y hơn 20 năm, nằm gai nếm mật, dốc lòng mong được thành công, quyết tâm thấu triệt được hết y lý, không quan tâm đến sự vinh nhục, việc đời nồng nhạt coi tựa như áng mây trôi, làm nhà bên rừng, đóng cửa đọc sách, tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm.
Mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa thì ghi ngay tại chỗ, biện luận kỹ càng, thức nhấp luôn suy nghĩ, phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy nở trong lúc tưởng tượng, nhân đó mà suy rộng ra, ngày càng tinh vi như chiếc vòng không cùng tận. Ngày xưa Vương Sinh học vẽ, thả thuyền chơi ở Ngũ hồ [87], ngắm kỹ những cảnh tuyết sa buổi tối, khói tỏa ban mai, đỉnh non phun ngậm ánh hào quang, ngoạn thưởng vẻ thiên nhiên để điểm xuyết cho bút pháp, rồi sau vẽ nhập thần rất khéo, đó là không bắt trước người mà bắt trước tạo hóa có kết quả tốt. Tôi học thuốc, đem những câu cách ngôn của hiền triết xưa, tập trung thành một lối mắt nhìn miệng đọc, đi thì mang theo, ngồi thì nghĩ ngợi, tự nói, tự bàn như cùng người xưa chuyện trò rất là vui vẻ. Đến sau lâm sàng gặp phải chứng lạ, phần nhiều có những sáng kiến ngoài khuôn khổ sách vở, thực là có chỗ tâm đắc sâu xa, tôi cũng cảm kích mà nói rằng: “Bắt trước người nay không bằng bắt trước người xưa”. Anh ruột tôi thấy vậy rất yêu, bảo tôi chú thích, để làm tâm pháp trao đổi với những người trong y giới. Tôi nói: “Đó đều là những chân lý ở ngoài lời nói, một lời bao quát hết hàng vạn lẽ, hình dung sao hết!”. Anh tôi nói: “Núi cao chót vót, cũng phải bắt đầu từ một sọt đất, nếu ngại mở một con đường tắt thì lấy gì làm bậc thang cho người sau?”. Tôi mới nghe lời, theo ý của nguyên văn, lấy nghĩa trong từng chữ, lấy ý trong từng nghĩa, có thể bằng cứ được đều chú giải rành mạch, làm xong đặt tên là “Y HẢI CẦU NGUYÊN” chia làm 3 cuốn Mạnh, Trọng, Quý để giúp cho người mới học. Nhưng cuốn sách này hợp lại thì chân lý có một, mà phân tách ra thì khác nhau hàng vạn, thực không phải giấy mực có thể tả hết được. Mong người có chí, gặp từng loại nên suy rộng ra, linh động mà làm cho sáng tỏ ra thì nghề y sẽ thông suốt được triệt để.