Thuốc cầm ỉa chảy

Loại thuốc này dùng trong các trường hợp tỳ vị hư nhược, công năng tiêu hoá, hấp thu giảm sút hoặc bị ngộ độc thức ăn. . . dẫn đến tiêu chảy. Do ỉa chảy lâu ngày, tỳ dương hạ hãm, tay chân mệt mỏi, thở ngắn, ngại nói, sa trực tràng. Thuốc cầm ỉa chảy phải phối hợp với thuốc kiện tỳ để điều trị.


Ô mai


Là sản phẩm chế từ quả mơ của cây mơ. Ô mai là quả phơi khô gác bếp có màu đen, không phải quả mơ đã chế muối.

TÍNH VỊ
  • Vị chua, chát ; tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh can, tỳ, phế.

CÔNG NĂNG
  • Sáp trường chỉ tả, chỉ ho, sinh tân, giảm đau.

CHỦ TRỊ
  • Cầm ỉa chảy do tỳ hư, hoặc do lỵ lâu ngày (thịt quả ô mai và hoa hoè, lượng bằng nhau, sao qua cho dòn, tán nhỏ, uống với nước cơm).

  • Chữa ho lâu ngày không giảm, viêm họng, đau họng (ô mai tẩm nước gừng, tẩm cam thảo).

  • Sinh tân chỉ khát do hư nhiệt, tân dịch giảm, cơ thể háo khát (ô mai, cát căn, mạch môn, cam thảo, hoàng kỳ).

  • Chữa đau bụng do giun đũa, hoặc nôn ra giun, giun chui ống mật (dùng ô mai 12g sắc uống; hoặc ô mai, binh lang, sử quân tử; hoặc dùng bài ô mai hoàn: ô mai 12g, hoàng liên, hoàng bá, can khương mỗi thứ 6g; phụ tử 12g, xuyên tiêu 6g, quế chi 8g, tế tân 4g, đương qui, đẳng sâm 12g; dùng mật ong làm hoàn; mỗi ngày uống 8g).

LIỀU DÙNG
  • 6 - 12g/ngày.

KIÊNG KỴ
  • Bệnh cần phát tán không nên dùng.



Ngũ bội tử


Là tổ đã phơi hay sấy khô của ấu trùng sâu Ngũ bội tử, ký sinh trên cây Muối tức cây Diêm phu mộc

TÍNH VỊ
  • Vị chua, chát, mặn ; tính bình.

QUY KINH
  • Vào kinh phế, thận, đại trường.

CÔNG NĂNG
  • Sáp trường chỉ tả, liễm hãn, chỉ huyết, liễm sang, giải độc.

CHỦ TRỊ
  • Cầm ỉa chảy: chữa ỉa chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày.

  • Cầm mồ hôi, chữa mồ hôi trộm (uống hoặc trộn thành dạng bột nhão đắp vùng rốn).

  • Cầm máu: đắp ngoài cầm máu vết thương, nôn ra máu, trĩ ra máu.

  • Chữa hôi nách, bột ngũ bội và bột phèn phi cùng lượng, trộn đều sát vào nách.

  • Chữa ho, chữa hôi miệng, chảy máu chân răng (sắc lấy nước ngậm).

  • Dùng ngoài, nước sắc dùng để rửa các vết lở loét, mụn nhọt, trĩ, sa dạ con; súc miệng chữa viêm niêm mạc miệng, viêm lợi răng.

LIỀU DÙNG
  • 3 - 6g/ngày. Dùng ngoài lượng thích hợp.



Kha tử


Dùng quả chín phơi hay sấy khô của cây Kha tử

TÍNH VỊ
  • Vị đắng, chua, sáp ; tính bình.

QUY KINH
  • Vào kinh phế, đại trường.

CÔNG NĂNG
  • Sáp trường chỉ tả, liễm phế, thông lợi yết hầu.

CHỦ TRỊ
  • Chữa tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, sa trực tràng.
  • Phế hư ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng, yết hầu đau, tiếng khàn.

LIỀU DÙNG
  • 3 - 6g/ngày