Cổ học tinh hoa

Ôn Như NGUYỄN VĂN NGỌC – Tử An TRẦN LÊ NHÂN
(Biên dịch)
CỔ HỌC TINH HOA
Cổ Học Hữu Hoạch
(Thư Kinh)
In theo bản in VĨNH HƯNG LONG THƯ QUÁN
Xuất bản năm 1928
Nhà xuất bản VĂN HÓA - THÔNG TIN
Hà Nội - 2002

LỜI NÓI ÐẦU 

NGUYỄN VĂN NGỌC, hiệu là Ôn Như, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1890, mất ngày 26 tháng 4 năm 1942 tại Hà Nội. Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều lãnh vực của đời sống Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là nhà giáo, nhà sưu tầm văn học dân gian, nhà nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc. Ông đã từng làm đốc học tỉnh Hà Ðông, Hội trưởng hội Ái Hữu các nhà giáo, Phó Hội Trưởng Hội Phật Học Hà Nội. Ông có nhiều sách viết về giáo dục, sưu tầm văn học dân gian, luận bàn về Bách Gia Chư Tử nghiên cứu văn học thánh văn. Ông còn là cây bút chủ lực của nhóm Cổ Kim Thư Xã. Dù hoạt động ở lãnh vực nào, ông cũng đã vượt khỏi những giới hạn hạn hẹp của công việc để vươn tới tầm vóc của một nhà văn hóa.
Sách ông viết, biên soạn, khảo cứu gồm có: Nhi Ðồng Lạc Viên, Phổ Thông Ðộc Bản, Giáo Khoa Văn Học Việt Nam, Cổ Học Tinh Hoa, Ðông Tây Ngụ Ngôn, Nam Thi Hợp Tuyển, Tục ngữ Phong Dao, Truyện Cổ Nước Nam, Thơ Nôm và Hát Nói, Ðào Nương Ca... Những cuốn sách của ông không chỉ mang đậm giá trị văn hóa, giáo dục mà còn là một mẫu mực trong công tác biên soạn, khảo cứu sách.

TRẦN LÊ NHÂN, hiệu là Tĩnh Trai, sinh năm 1877, mất ngày 16 tháng 5 năm 1975. Ông đỗ Cử nhân năm 1912; sau đó được bổ làm Huấn đạo Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng, làm việc tại Nha Học Chánh Hà Nội, làm giáo thụ phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, rồi làm giảng viên Hán ngữ tại Ðại Học Sư Phạm Văn Khoa và Ðại Học Tổng Hợp Hà Nội.

Ông am tường triết học phương Ðông và nghiên cứu cả triết học phương Tây. Ông đã góp phần đào tạo một lớp người thuộc nhiều thế hệ khác nhau, hầu hết họ đều có nhân cách, có học thức và thành đạt.

Ngoài việc dạy học, ông còn tham gia biên soạn và dịch sách. Các cuốn Cổ Học Tinh Hoa, Hán Học Danh Ngôn đều là sách được chọn dùng trong các trường trung học thời đó.
Cuốn Cổ Học Tinh Hoa do hai ông Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn đã thâu lượm, giới thiệu với bạn đọc những tinh hoa của nền cổ học phương Ðông. Với 250 mẫu chuyện, các tác giả đã đem đến cho người đọc cách nhìn nhận cuộc sống, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách "dạy làm người", là cái "túi khôn" rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bấy giờ mà cho cả hôm nay và mãi về sau.
Tái bản cuốn Cổ Học Tinh Hoa lần này, chúng tôi giữ nguyên theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928. Mong rằng cuốn sách sẽ đem đến cho độc giả nhiều điều bổ ích và thú vị.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN