Y huấn-Thiên 9

Vương Thái Bộc nói: “Thầy thuốc kém, nông nổi, học hỏi chưa được chuyên sâu, dùng thuốc nhiệt chữa bệnh hàn, dùng thuốc hàn chữa bệnh nhiệt, chữa nhiệt chưa khỏi mà bệnh hàn đã phát ra, chữa hàn lâu ngày mà bệnh nhiệt lại càng phát, nhiệt phát lên mà trong hàn vẫn còn, hàn phát sinh mà ngoại nhiệt cũng chẳng khỏi, muốn chữa hàn mà sợ nhiệt không quả quyết, muốn chữa nhiệt mà sợ hàn rồi lại thôi, há có biết rằng nguồn gốc của tạng phủ đều có sở chủ về hàn nhiệt ôn lương đó ư?”





Lời này thật là cái gương sáng cho các thầy thuốc vì người kém thời chỉ thấy bệnh thời chữa bệnh mà không xét đến nguyên nhân bệnh, tìm xem bệnh thuộc về loại nào. Nội kinh nói: “Bổ ích cho tâm dương thì hàn được thông hành (đỡ), làm mạnh thận âm thì nhiệt cũng lui, đấy là không trị hàn mà hàn tự giải, không công nhiệt mà nhiệt tự trừ, đạo lý trị bệnh từ gốc rễ vậy”.



Vì sao kiến thức không chắc chắn nắm cả hai đầu, mù mịt như vượt bể mà hỏi bờ bến, gặp đâu chữa đấy làm sao tránh được sự mập mờ lầm lẫn và sơ suất được.



1) Người đời mắc bệnh trong 10 bệnh đã có 9 bệnh hư, thầy thuốc chữa bệnh thì trăm bệnh chưa bổ một bệnh.



Khí thiên chân ngày càng suy sụt, con người ở khoảng giao tiếp của khí trời đất thời bẩm thụ cũng theo đó mà bạc nhược. Phàm khi bệnh, 10 người thì đã có 9 người thuộc hư, tại sao người chữa bệnh lại không bổ một bệnh nào, trừ một chứng đi lỵ sơ khởi là không nên bổ.



2) Biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực là vấn đề then chốt của thầy thuốc.



Trăm bệnh của con người biến hóa nhiều mối, bệnh hiện ra không ở biểu thời ở lý, không hàn thời nhiệt, không thực thì hư. Còn như phép chữa: “Ở biểu thời phát tán, ở lý thời điều hòa, bệnh hàn thời ôn, nhiệt thời thanh, hư thời bổ, thực thời tả, chỉ có 6 phép”, đó thực là vấn đề then chốt của thầy thuốc.



3) Có bài thơ nói rằng: “Thấy đờm đừng trị đờm, thấy huyết chớ trị huyết, không hàn chớ phát hãn, có nhiệt đừng trị nhiệt. Bệnh suyễn chớ hao khí, di tinh chớ cố sáp, rõ được đường lối ấy mới xứng đáng là một thầy thuốc giỏi”.



Đờm nhân vì hỏa bốc mà thể hiện, hỏa giáng thời đờm tiêu, nên đừng có chữa đờm. Huyết vì khí đưa lên, khí thuận thì huyết về chỗ, nên đừng có chữa huyết. Mồ hôi là huyết dịch, huyết khô thời không có mồ hôi, bổ huyết thời mồ hôi tự ra, nên không cần phải phát hãn. Phát nhiệt là do âm hư, bổ thủy thì nhiệt tự rút xuống, nên không cần phải chữa nhiệt. Khí nghịch lên thời sinh suyễn, dẫn nạp khí về nguồn, khí có chỗ về thời suyễn khỏi, không nên làm hao khí. Di tinh vì căn bản hư, thận chủ việc bế tàng, bổ thận thời thu liễm được tinh, chớ nên cố sáp, ấy đều là đường lối chữa gốc, không công mà tà tự lui, không trị bệnh mà bệnh tự khỏi. Nội kinh nói: “Chữa bệnh tất phải tìm gốc bệnh, thầy thuốc mà thấu suốt được lẽ huyền diệu ấy, mới thực là người xuất sắc trong ngành y”.



4) Người ta chỉ biết chữa bệnh mà không biết gấp giữ gìn tính mệnh.



Phàm tật bệnh hữu hình không thể chữa nhanh chóng được; mà nguyên khí vô hình kíp nên giữ vững; vì nguyên dương chợt mất, tình thế như dây đứt, cứu vãn khó kịp. Người không hiểu chỉ biết chữa bệnh mà không biết giữ tính mệnh. Khi tôi thăm bệnh thấy có nguy cơ âm vong dương thoát đã chớm nở, thì chăm chú cấp cứu vị khí làm gốc, tuy có nhiều tạp chứng cũng không dám chiếu cố vụn vặt, vì vị khí chưa bị tổn thương thì các bệnh khác cũng không lo gì, đợi khi vị khí đã phục hồi, thì dương hư mới nói đến bổ dương, âm hư mới dám bổ âm; nhưng trong thuốc bổ dương lại phải tiếp âm; trong thuốc bổ âm lại cần tiếp âm; đại để bổ dương đã mạnh được mười phần, mới bổ âm đến sáu bảy phần, vì dương là cơ sở của tính mệnh cho nên phải trọng hơn.



5) Khí huyết âm dương của con người, vốn không giống nhau; biểu lý hàn nhiệt của bệnh cũng khác nhau.



Người ta có khí hư huyết hư, có lệch về dương lệch về âm không giống nhau; bệnh chứng biểu chứng lý, có hư hàn thực nhiệt khác nhau, tại sao người chữa bệnh, cứ vin lấy phương sẵn của ngàn xưa, nhập ẩu vào các biến chứng của trăm bệnh, đầu Ngô mình Sở, thật là khó khăn.



6) Bệnh của con người biến đổi tuy nhiều, mà gốc chỉ là một; các phương thuốc của người ta phép linh hoạt tuy nhiều, mà trúng bệnh chỉ là một.



Trăm bệnh của người ta, tên đặt tuy khác nhau, tóm lại không ngoài một gốc là âm dương khí huyết. Những phương thuốc hay của người xưa, đều hiệu nghiệm cả; song trúng bệnh, chẳng qua một phương chữa được một bệnh mà thôi.



7) Vương Ứng Chấn nói:



Một điểm chân dương ở Khảm cung



Gốc bền nên uống thuốc cam ôn



Cam ôn thời bổ, hàn không bổ



Cười trách dung y đã dụng nhầm.



Một điểm chân dương tức là long hỏa ở mệnh môn, vốn sợ lạnh gặp nước càng cháy; gặp thấp càng mạnh, muốn giữ vững căn bản, duy có vị Nhục quế cam ôn, theo tính nó mà bổ, không phải vị Tri mẫu, Hoàng bá hàn lương mà bổ được đâu.



8) Trăm bệnh cứ ngăn chặn gượng, đều không phải phép hay.



Người xưa nói: “Dụng dược như dụng binh”. Sách binh thư nói: “Tránh lúc địch đang hăng, đánh lúc địch đã yếu”. Nhà làm thuốc nói: “Tránh lúc bệnh thịnh, đón lúc bệnh suy”; vì khi tà mới cảm vào, thế tất hung hăng, lúc ấy chỉ nên xét rõ nguyên nhân thuận chiều mà dẫn đạo, đợi khi bệnh đã suy, mới ngăn chặn được.



9) Người ta chỉ biết khí huyết thời nói khí là dương, huyết là âm; chỉ biết tạng phủ thời nói tạng là âm, phủ là dương; biết thủy hỏa chẳng qua biết quẻ Khảm thuộc thận, quẻ Ly thuộc tâm mà thôi; nào có biết được khí huyết lại có căn bản của khí huyết, âm dương lại có bộ vị chân âm chân dương, thủy hỏa lại có gốc của chân thủy chân hỏa.



Đạo làm thuốc chia ra hai ngả Vương đạo và Bá đạo khác nhau. Vương đạo tức là đạo làm thuốc (y đạo), Bá đạo tức là thuật làm thuốc (y thuật). Vương đạo thời lấy gốc tìm nguồn để chữa mệnh, mà không chữa bệnh, Bá đạo thời chữa đầu chữa chân, chữa ngọn không chữa gốc. Ôi! Nghề làm thuốc không phải là có Vương đạo, Bá đạo, chỉ có sự hiểu biết nông sâu mà thôi. Cho nên người hiểu nông chỉ biết lấy tạng phủ khí huyết làm âm dương, lấy tâm thận làm thủy hỏa, hoàn toàn không biết chân âm tức là chân thủy, làm căn bản cho huyết; chân dương tức là chân hỏa, làm nguồn gốc cho khí; ấy đều là thủy hỏa vô hình của tiên thiên, căn bản của sự sống, cội rễ của tính mệnh, làm cương lĩnh chủ yếu cho các bệnh, người ta tìm sự sống, thầy thuốc chữa bệnh hay, không ngoài thủy hỏa ấy được.



10) Phàm dùng thuốc bổ dưỡng mà bệnh không tăng lên tức là đỡ, vì trong đã được bồi dưỡng rồi. Dùng thuốc công phạt, thấy không đỡ tức là bệnh tăng, vì trong đã bị công phạt.



Sách nói: “thực thời chịu được thuốc hàn, hư thời chịu được thuốc nhiệt”, đó là lẽ thường về phép công và bổ. Nhưng công thì chóng, bổ thì chậm, cho nên bổ mà bệnh không tăng là không có thực tà; công mà bệnh không đỡ là chính khí hư.



11) Phép chữa chứng hư nên bồi bổ chỗ bất túc không nên công phạt chỗ hữu dư. Phàm đã vì hư tổn sinh bệnh, mà lại còn công phạt chỗ hữu dư, thời hai đàng đều bại hoại mà thương tổn cả.



Thủy bất túc, nhân đó mà thấy hỏa hữu dư; Thủy hữu dư là vì hỏa bất túc; Thủy bất túc thời bổ thủy để chế hỏa, hỏa bất túc thời bổ hỏa để sánh với thủy. Nếu ghét thủy hữu dư mà phạt thủy để cứu hỏa; thấy hỏa hữu dư, mà tả hỏa để cứu thủy, thời thủy hỏa đều tổn thương, hai đàng đều bại hoại cả, suy rộng ra, chữa khí huyết âm dương cũng giống như thế.



12) Thuốc dùng lâu thời tăng khí, là lẽ thường sinh hóa của muôn vật; khí tăng lên do dùng thuốc lầm lẫn là nguyên nhân chết yểu.



Phép chữa bệnh quý hồ trúng bệnh thì thôi, bồi bổ quá còn lo ngại đầy tràn, huống chi công phạt quá; Trung hòa là lẽ thường sinh hóa của muôn vật. Huống chi thuốc hàn thuốc nhiệt; dùng lâu thời tăng khí, tức là lệch về một bên; khí tăng lên là nguồn do sinh ra sự chết yểu. Vì thế uống Hoàng liên lâu ngày lại hóa ra nhiệt; uống Mộc hương lâu ngày thì lại hóa ra trệ; ấy là nguyên do khí tăng thành ra thiên lệch.



13) Chứng hư hiện tại đã có, mà không bổ cứu; Tà khí vô hình chưa tới mà công phạt rằng: “Có bệnh thì bệnh chịu không hại gì”. Nếu không có bệnh thì chính khí càng nguy khốn.



Sách nói: “Biết được ngọn, chỉ chữa gốc mười người không sai một”; ấy là phép bổ hư, thực là yếu tố để trừ bệnh. Kẻ không hiểu chẳng xét: “tà khí sở dĩ phạm vào được là chính khí đã hư”; cốt biết lúc tà khí đương căng thẳng là lúc chính khí nguy khốn; kẻ không hiểu chỉ biết chữa bệnh mà không biết giữ tính mệnh; Có bệnh thời bệnh, nếu không có bệnh thời tỳ, vị thành chỗ chiến trường, ngọc đá cũng cháy cả.



14) Dùng thuốc hữu tình mà vô hình để chữa càn cho loại khí vô hình mà hữu tình, muốn cho không bị tổn thương thì có được hay không?



Phàm cây cỏ hữu hình, mỗi thứ chỉ được một trong 6 vị, vốn là vô tình; nguyên khí vô hình là cơ sở của sự sống, vốn là hữu tình; Phàm có bệnh, vốn vì hư mà gây ra; người không hiểu không biết mượn khí ấy, lấy vị ấy để điều bổ nó, khiến cho vật vô tình thành ra hữu tình, từ chỗ không sinh ra có; mà lại công phạt càng dở, để tác hại nhanh chóng ru?



15) Mọi chứng thoát đã đầy đủ mới bàn đến phép bổ thì còn bổ vào đâu?



Thầy thuốc khi lâm sàng phải cẩn thận, phải quả quyết, sự việc tính trước, cơ hội phải thấy trước, cho nên nói chữa lúc bệnh chưa phát, không chữa lúc bệnh đã phát, nếu định kiến không đúng, sợ lạnh, e nóng, đến khi âm vong dương thoát mới đem thuốc bổ để cứu thời tật bệnh hại người đã không trừ được kịp, mà nguyên khí để sống người đã tuyệt trước rồi. Thử xem bệnh thấy giả nhiệt, nhận lầm là chân nhiệt, uống ẩu thuốc hàn lương để công trục thời hỏa vô căn ở ngoài tắt, chân hàn ở trong sinh ra, trán toát mồ hôi, tay chân quyết lạnh, dấu hiệu hư thoát đã thấy đủ, bấy giờ mới rối rít đem Sâm, Phụ cho uống thì sức cô dương đã cùng, tựa như sợi dây sắp đứt, cứu vãn sao kịp.



16) Bổ là nói trong thân thể thiếu chất gì, ta đem chất ấy bồi bổ vào, để bổ sung chỗ thiếu ấy.



Bổ là nói bổ sung vào chỗ thiếu, nhưng trong đó có chia ra nhiều phép khác nhau như: tuấn bổ, điều bổ, tư bổ, tiếp bổ, không thể nhất khái lẫn lộn, nếu bổ không đúng phép thì khác nào gãi ngứa bên ngoài giầy; mà bồi bổ quá mức thì lại bị cái vạ khí tăng lên dữ quá sinh cái vạ chết non.



17) Đã biết rằng trăm bệnh cảm vào, không bệnh nào là không vì chính khí làm gốc mà ngoại tà làm ngọn.



Trong con người, âm được thăng bằng, dương được kín đáo, tinh thần mới yên ổn, bệnh sẽ không phát ra được. Đó là nói trăm bệnh sinh ra đều do hư cả, thầy thuốc nên lấy phù chính bổ hư làm gốc, trừ cảm khu tà làm ngọn, mới là tay cừ trong nghành nghề. Sách nói: “Biết được ngọn chỉ chữa gốc, chữa nghìn người không sai một” chính là như thế.



18) Chữa chứng hư không có phép nhanh, cũng không có phép khéo, như nhà nghèo lâu năm, trong nhà trống rỗng, không phải việc chốc lát đã xong được.



Phàm phép chữa chứng cực hư, trước phải tuấn bổ rồi đến đại bổ, tiếp đến điều bổ, sau mới tư bổ, cho nên trước chữa mạnh, sau chữa dần, cốt lấy thành công. Nhưng chứng hư có hai loại, loại bổ dương thời chóng, loại bổ âm thời chậm. Sách nói: “Dương hỏa dễ cứu, âm thủy khó cứu”, vì chứng âm hư, tân dịch ngưng kết, tinh huyết hao khô, sáu mạch phù sác, ngũ tạng khô kiệt, duy người bệnh chuyên tâm một mực, thầy thuốc định kiến chớ thay đổi, tìm nhiều thuốc men trong thức ăn, trọng dụng các thuốc hữu tình hoặc theo phần dương để sinh âm, hoặc giúp phần âm để hóa dương, ví như nhà nghèo chỉ chăm làm lụng, kiếm chắt dành dụm, thà thêm một đấu gạo chẳng thà thêm một nhân khẩu, ngày tháng tích lũy, mới có thể chống đỡ, giữ vững được, không phải sớm chiều mà thành công được ngay.



19) Bệnh làm cho thầy thuốc phải khổ tâm nhất, chỉ có bệnh âm hư khó bổ, tích lâu khó tiêu.



Ví như âm hư tất nội nhiệt nung nấu; dùng riêng thuốc bổ âm để cứu thủy, vì vị yếu mà ăn kém, cơ nguy thoát sẽ tới dần; dùng riêng dương dược để bổ thổ thời dương thịnh mà âm tiêu, thế đốt cháy càng dữ, thực là sợ nóng sợ lạnh, hai đường khó khăn. Bệnh hòn tích ắt ngắn hơi, ăn yếu; nếu dùng phép trục tán thời sức mệt nhọc không chịu nổi, sợ nguyên khí lại bại hoại trước bệnh tật, nếu mà tư bổ thời hòn tích lại to thêm, sợ như gói gạo tiếp tế cho giặc, khi ấy hễ bổ thì trệ lại, công thì hư thêm, biết làm cách nào? Cho nên người xưa có lời than: Núi ngọc tự nghiêng nuôi dùm thêm lo, chính là ý ấy.



20) Mạch thực chứng thực thời công tà để chữa ngọn, mạch hư chứng hư thời bổ chính để chữa tận gốc.



Thực thì tả, hư thì bổ là lẽ thường của nghề thuốc, nhưng mạch là làn sóng của khí huyết, ai mà hiểu hết được lẽ tinh vi, chứng nhiều giả tượng về hư thực, ai mà khỏi sự nhầm lẫn sơ suất, tôi có một phép rất linh hoạt, thường dùng không còn nghi ngờ gì, điều cốt yếu là trước nên xem khí bẩm mạnh hay yếu, hoặc già trẻ sức vóc thế nào, hoặc sang hèn hoàn cảnh ra sao, cùng với sau khi đẻ hay sau cơn bệnh nặng rồi mới xét đến 6 mạch vô thần hay hữu lực, tuy có nhiều tạp chứng rối ren, đều lấy bổ hư cứu bản làm gốc. Nếu không phải là hư thì cứ theo thực chứng mà chữa, mới tránh khỏi được tai ương. Hãy xem như Tiết Lập Trai nói: “Phàm nguyên khí hư nhược mà phát sốt, đều là trong chân hàn mà ngoài giả nhiệt cả”. Lại nói: “Chữa bệnh nên lấy trung khí làm chủ, chứng ngoài là khách tà, không đủ làm bằng”. Lại nói: “Nên xét nguyên khí là chủ, rồi sau mới xét đến tật bệnh”, đó đều là lấy nguyên khí làm kim chỉ nam, mà biết được bệnh hư hay thực.



21) Bổ mà không thấy công hiệu phần nhiều là chứng thực, công mà không thấy hiệu nghiệm phần nhiều là chứng hư.



Chứng thực thì chịu được thuốc hàn, chứng hư thời chịu được thuốc nhiệt, ấy là thực thời công, hư thời bổ. Cho nên bổ mà không thấy công hiệu, không chịu thuốc nhiệt là thực chứng. Công mà không thấy hiệu nghiệm, không chịu thuốc hàn tức là hư chứng.



22) Thà lấy phép chữa chứng bất túc mà chữa chứng hữu dư thì được, chứ lấy phép chữa chứng hữu dư đem chữa chứng bất túc thì không nên.



Chứng hư có nhiều giả tượng, chứng thực mà có hình trạng gầy yếu, bổ nhầm càng làm cho bệnh tăng thêm, chứng hư mà có trạng thái cường thịnh, nếu tả thì chết oan, vì rằng lỡ bệnh tăng thêm còn có thể bổ cứu, còn như chết oan thì còn chuộc mạng sao được, cho nên bậc tiên triết có lời dậy nghiêm khắc rằng: “Thà nhầm vì ôn, bổ, không nên nhầm vì hàn lương”, những người thầy thuốc phải nên cẩn thận.



23) Biện chứng được đúng, thời cho uống thuốc đại hàn đại nhiệt, cũng vẫn có ích cho người bệnh.



Thầy thuốc phải cẩn thận, phải quả quyết, đối chứng lập phương thì định kiến đừng thay đổi, nắm vững không hoang mang, gặp chứng đại thực không dùng mạnh thuốc hàn lương thì không đủ sức công tà, thấy chứng đại hư không dùng nhiều thuốc ôn bổ thì không đủ cứu được tính mệnh. Cốt sao dùng thuốc được đúng bệnh, thời dùng đại công, đại bổ cũng đều có ích lợi cho người bệnh cả.



24) Phàm chẩn đoán bệnh trước nên xét nguyên khí làm chủ yếu rồi sau mới xét đến bệnh tật.



Trăm bệnh đều bởi hư mà gây ra, cho nên chữa bệnh phải tìm gốc tìm nguồn, lấy nguyên khí làm điều chủ yếu rồi mới xem rộng đến các chứng tỉ mỉ khác, yên được chính khí thời hóa tán được bệnh tà, chân nguyên đã hồi phục thời bệnh sẽ khỏi.



25) Thầy thuốc đời nay, chỉ biết tà khí hữu hình mà không biết nguyên khí vô hình, hữu hình là có hình tích thịnh suy rõ rệt, nhận thức không khó, vô hình là thần minh biến hóa chớp nhoáng, cứu vãn rất gay.



Thầy thuốc thấy bệnh cứ chữa bệnh mà không biết giữ tính mệnh, tật bệnh hữu hình có thể chữa dần, nguyên khí vô hình phải nên củng cố gấp, vì nguyên khí chợt mất, thế như đứt dây. Thường thấy khi chữa bệnh hư, cứ chờ tật bệnh hết rồi, mới nói đến bổ, đến khi bổ thì nguy cơ khí thoát đã đến, còn bổ gì được nữa.



26) Phải biết các bệnh, không thể vượt ra ngoài chân âm chân dương, mà sự sống của người ta cũng không thể vượt ra ngoài chân âm chân dương, chân âm chân dương là điều cốt yếu của các bệnh nguy, mà cũng là căn bản của sự sống.



m dương là hư danh, thủy hỏa là thực thể, âm dương là thể, thủy hỏa là dụng. Chân âm chân dương trong thận tức là chân thủy chân hỏa, là gốc của sự sống, là căn bản của tính mệnh. Sách nói: “Gặp chứng hư nên giữ thận để bồi dưỡng sinh mệnh” cho nên nói người làm thuốc không hiểu suốt được sự hiệu dụng của thủy hỏa vô hình, không biết trọng dụng bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì đối với y lý còn thiếu sót đến quá nửa.



27) Định kiến của thầy thuốc không thay đổi, tâm chí của người bệnh phải kiên trì thì chữa bệnh mới có thể thành công.



Phép bổ chỗ hư, lấp chỗ thiếu cũng ví như nhà nghèo mới lập nghiệp, mọi việc không phải một sớm một chiều mà xong ngay, nên khó có thể đòi hỏi công hiệu ngay trước mắt, cốt ở thầy thuốc vững tâm như sắt đá, khỏi tiếng chê bệnh một đường cho thuốc một nẻo, người bệnh phải hết lòng tin tưởng chớ có thái độ sớm thầy này chiều thầy khác, phải chờ đợi lâu ngày mới thành công được.



28) Nào có biết bệnh với mệnh, bên nào khinh bên nào trọng; tà với chính đường nào hoãn đường nào cấp.



Người không hiểu chỉ biết chữa bệnh, mà không biết giữ mệnh, vì tật bệnh hữu hình thì có thể chữa dần; nguyên khí vô hình phải nên giữ gấp, ấy là khinh trọng, hoãn cấp tự khác nhau xa, không đợi phải nói.



29) Phương là thể, pháp là dụng, chỉ biết thể mà không biết dụng là sai. Thể và dụng không sai mới là thầy thuốc giỏi.



Phương nghĩa là phỏng theo, phỏng theo bệnh ấy mà lập ra phương ấy, là một thôi không biến đổi. Pháp là cách chữa có chứng ấy thì chữa bằng phép ấy, là sự diệu dụng vô cùng. Thầy kém chỉ bo bo giữ lấy phương sẵn, không biết phép linh hoạt, được thể mà mất dụng. Nếu thầy thuốc giỏi, thì cho phương là kiểu mẫu, lấy phép để ứng biến, thể dụng đều làm không bó buộc nhất định.



30) Mặt mũi người ta tuy khác nhau, nhưng tạng phủ âm dương thời như nhau. Tên gọi trăm bệnh tuy khác nhau, tóm lại không ngoài khí huyết và không vượt khỏi lẽ âm dương.



Phùng Triệu Trương nói: “Lấy phép chữa một bệnh có thể suy rộng ra để chữa trăm bệnh. Phép chữa trăm bệnh rút cục căn bản cũng như chữa một bệnh”, vì người ta ai cũng khí huyết ấy, tạng phủ ấy, âm dương ấy mà thôi chứ không khác gì cả. Phân chia ra thì khác nhau, tổng hợp lại thì là một lý. Nội kinh nói: “Biết được cốt yếu thì một lời nói là đủ, không biết được cốt yếu thì lan man vô cùng” chính là ý ấy.



31) Người xưa dùng thuốc, lúc thu liễm, lúc sơ thông không trái với ý nghĩa đóng giữ thông lợi (sơ tiết bế tàng).



Vì lẽ tự nhiên một đóng một mở, dương mở thì âm đóng, mùa xuân mùa hạ phát sinh ra thì mùa thu mùa đông đóng giữ lại. Không mở, thời không đóng; không đóng, thời không mở, ấy là các sự đầy vơi mòn lớn (doanh hư tiêu trưởng), lên xuống nổi chìm (thăng giáng phù trầm) ấy là một thể một dụng của tạo hóa, cho nên người xưa dùng thuốc tất khi đóng khi mở, theo đúng lẽ của âm dương. Như vị Trạch tả trong bài Bát vị, vị Phục linh trong bài Tứ quân, vị Mộc hương trong bài Quy tỳ, vị Xuyên khung trong bài Tứ vật, vị Đăng tâm trong bài Tố nguyên, vị Trần bì, Ngũ vị trong bài Dưỡng vinh, vị Thăng ma, Sài hồ trong bài Bổ trung, đều căn cứ theo lẽ ấy, vì không tả thời không bổ được.



32) Mạch thể hiện tình trạng chân thực của tạng phủ, chứng có nhiều giả tượng đáng ngờ.



Mạch là khí huyết điều hòa, thiên chân là gồm cả đức tính của âm dương, là căn nguyên của khí huyết. Chứng là ngọn của bệnh, hiện ra giả tượng giống như thực. Sách nói: “Thầy thuốc xem mạch giỏi, thì chẩn đoán đúng bệnh”