7 trường hợp tương tác thuốc

Trong y học cổ truyền có 7 trường hợp tương tác thuốc:


1. Đơn hành (tác dụng của một vị thuốc)


Khi dùng riêng một vị thuốc cũng có thể phát huy được hiệu quả chữa bệnh của nó.

Ví dụ, dùng riêng Nhân sâm (Độc sâm thang) cũng có tác dụng bổ khí, nhất là khi cơ thể ở trạng thái vô lực, thoát dương, mệt mỏi. . . Một vị tam thất cũng có tác dụng chỉ huyết, bồi bổ cơ thể, nhất là đối với phụ nữ sau sinh đẻ. Một vị kim ngân cũng có tác dụng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa.

2. Tương tu (tác dụng hiệp đồng của hai vị thuốc có tính vị giống nhau)


Hai vị thuốc có tính vị giống nhau khi phối hợp lại thì tác dụng điều trị tốt hơn.

Kim ngân phối hợp với liên kiều tăng sức thanh nhiệt giải độc dùng tốt trong các bệnh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng. Sinh địa với huyền sâm tăng tác dụng lương huyết. Hoàng liên dùng cùng Liên tâm tăng tác dụng thanh tâm hoả. Đại hoàng dùng cùng mang tiêutăng tác dụng tả hạ lên nhiều so với dùng riêng từng vị.

3. Tương sử (tác dụng hiệp đồng của hai vị thuốc có tính vị khác nhau)


Hai vị thuốc có tính vị khác nhau, khi dùng chung, tác dụng tăng lên.

Ví dụ Liên kiều vị đắng tính hàn, Ngô thù du vị cay tính ấm, khi dùng chung tác dụng cầm nôn tăng lên. Đó chính là do chúng có khả năng hạn chế tiết dịch nước bọt và dịch vị. Trên cơ sở đó có thể chữa chứng ợ chua của bệnh đau dạ dày.

4. Tương uý (ức chế độc tính của nhau)


Khi hai vị thuốc dùng chung, vị này ức chế độc tính của vị kia thì gọi là tương uý.

Ví dụ, Bán hạ uý Sinh khương: Bán hạ dùng với sinh khương thì sinh khương làm mất tính kích thích họng của bán hạ, đồng thời làm hết tác dụng phụ của bán hạ như buồn nôn, lợm giọng.

Có 18 vị uý nhau nếu dùng chung với nhau, đó là:

Lưu huỳnh uý Phác tiêu.

Thuỷ ngân uý Thạch tín.

Đinh hương uý Uất kim.

Ba đậu uý Khiên ngưu.

Lang độc uý Mật đà tăng.

Nha tiêu uý Tam lăng.

Ô đầu uý Tê giác.

Nhân sâm uý Ngũ linh chi.

Quế uý Xích thạch chi.

5. Tương sát (tiêu trừ độc tính của nhau)


Khi phối hợp, vị thuốc này có thể làm mất độc tính của vị thuốc kia.

Ví dụ, phòng phong trừ độc thạch tín ;đậu xanh trừ độc ba đậu. Vì vậy vận dụng tương sát để giải độc khi ngộ độc asen hoặc ba đậu. . .

6. Tương ác (Kiềm chế tính năng, tác dụng của nhau)


Khi hai vị thuốc dùng chung, vị naỳ kiềm chế tính năng của vị kia.

Hoàng cầm dùng với sinh khương: Hoàng cầm vị đắng tính hàn, sinh khương vị cay tính ấm, khi dùng chung tính hàn của hoàng cầm sẽ kiềm chế tính ấm củasinh khương.

7. Tương phản.


Hai vị thuốc được gọi là tương phản là khi dùng phối hợp chúng sẽ gây ra những phản ứng không tốt cho cơ thể và sẽ gây thêm độc tính cho cơ thể.

Y học cổ truyền có qui định 19 vị thuốc phản nhau, đó là:

Cam thảo phản Cam toại, Đại kích, Nguyên hoa, Hải tảo.

Ô đầu phản Bối mẫu, Bán hạ, Bạch cập, Bạch liễm, Qua lâu nhân.

Lệ lô phản các loại sâm (nhân sâm, huyền sâm, đan sâm, sa sâm, khổ sâm), Tế tân, Thược dược.

Tóm lại, khi tiến hành phối hợp các vị thuốc trong một đơn thuốc cần lưu ý tới bảy tình huống trên. Cần khai thác mặt tốt của chúng vào việc chữa bệnh và chế biến thuốc; đồng thời hết sức tránh các trường hợp tương phản, tương ác. . . để tránh các hậu quả khi dùng thuốc .